Từ nhà sản xuất chip đến công ty giải trí khắp thế giới đều đang lên kế hoạch xây dựng metaverse – vũ trụ ảo được xem là tương lai công nghệ. Thuật ngữ metaverse bắt đầu thu hút sự chú ý vào cuối tháng 6 khi CEO Facebook Mark Zuckerberg đề cập tham vọng biến Facebook từ mạng xã hội thành trung tâm của một vũ trụ ảo.
1. Metaverse và những ông lớn đang hướng tới
Theo SCMP, khái niệm “metaverse“ trở nên phổ biến trong Covid-19 khi nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. Không chỉ những ông lớn công nghệ mới quan tâm đến vũ trụ ảo, nhiều công ty giải trí, startup từ nhiều nơi cũng đồng loạt thể hiện tham vọng theo đuổi tương lai công nghệ này.
Facebook metaverse là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên được nhắc đến trong lĩnh vực vũ trụ ảo. Mạng xã hội lớn nhất thế giới có lợi thế về số lượng người dùng, nội dung khi bước chân vào siêu vũ trụ. Zuckerberg tuyên bố tầm nhìn dài hạn của công ty là xây dựng riêng một metaverse. Từ 2017, Zuckerberg đã tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào công ty chuyên sản xuất thiết bị thực tế ảo Oculus. Vào tháng 7, Facebook cho biết sẽ thành lập một đội ngũ chuyên trách vấn đề “vũ trụ kỹ thuật số”. Ngày 19/8, hãng giới thiệu ứng dụng làm việc từ xa Horizon Workroom sử dụng kính Oculus Quest 2. Người dùng có thể tổ chức các cuộc họp ảo với hình ảnh avatar của chính họ. Đây được xem là một bước đệm quan trọng cho tham vọng xây dựng vũ trụ ảo của Facebook.
Snapchat metaverse, mạng xã hội phổ biến ở Mỹ và châu Âu với đa số người dùng trẻ tuổi, cũng tuyên bố theo đuổi metaverse. Theo nghiên cứu của hãng, người dùng ứng dụng Snapchat có nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm thực tế tăng cường cao gấp ba lần so với người không dùng ứng dụng. Đây là lợi thế quan trọng để Snapchat cạnh tranh với đối thủ trong lĩnh vực metaverse. Snapchat đã giới thiệu dịch vụ Bitmoji, cho phép người dùng tạo dáng trong các bức ảnh chụp nhanh và tạo hình đại diện Bitmoji 3D của riêng họ. Họ cũng có thể chọn trong số 1.200 biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ cơ bản, tư thế cơ thể.
Microsoft metaverse cũng khẳng định tham vọng về “siêu vũ trụ doanh nghiệp” hồi tháng 5. Đến tháng 7, trong một sự kiện trực tuyến, CEO Satya Nadella tiếp tục nhắc lại ý tưởng này. Hãng có lợi thế với hàng trăm triệu người dùng trên thế giới và đang là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ hai toàn cầu. Khác với các mạng xã hội, Microsoft cho biết sẽ phát triển một mô hình kỹ thuật số về tài sản và sản phẩm. Công ty mô tả vũ trụ ảo mà họ hướng đến là một công nghệ cho phép người dùng số hóa các đối tượng hoặc môi trường vật lý. Hình thức này được gọi là “cặp song sinh kỹ thuật số”. Trong môi trường này, các cảm biến liên tục theo dõi các chỉ số và truyền dữ liệu trở lại đám mây để đạt được tương tác thời gian thực giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số.
Epic Games, nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite, là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất nội dung metaverse. Hãng mới nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ các đối tác để tạo ra “siêu vũ trụ”. Trước đó, nhà sản xuất này cũng thâu tóm SuperAwesome – công ty được thành lập với mục đích đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trên không gian mạng. Một nền tảng mô hình 3D nổi tiếng toàn cầu là Skethfab cũng mới được Epic Games mua lại nhằm mở rộng thị phần trong lĩnh vực metaverse.
Amazon cũng cam kết tạo ra một hệ sinh thái kiểu mới cho mua sắm, giải trí và dịch vụ đám mây cho người dùng. Từ năm 2018, Amazon đã âm thầm phát triển dự án đem đến “trải nghiệm mua sắm VR mới”. Mục tiêu của Amazon là xây dựng một không gian mua sắm ảo với sự trợ giúp của metaverse. Nơi đây, người dùng có thể tương tác với các sản phẩm kỹ thuật số bằng cách thiết lập một hình thức Amazon ảo trong Metaverse Shopping.
Disney cũng tuyên bố việc xây dựng “công viên giải trí metaverse” sẽ là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của hãng. Tilak Mandadi, Giám đốc công nghệ của Disney, cho biết với sự bùng nổ của công nghệ, công viên giải trí trong tương lai không còn bị giới hạn bởi thế giới vật chất. Kể từ 2016, Disney đã đầu tư vào các trò chơi VR thông qua dịch vụ video 360 độ. Hiện tại, nhiều dự án trong công viên Disney là sự kết hợp giữa thế giới thực và công nghệ ảo kỹ thuật số, như các trò chơi Disney Leaping the Horizon hay Pirates of the Caribbean đều dựa trên cảnh thật hoặc sử dụng 3D để đưa du khách đắm chìm trong trải nghiệm “tự nhiên nhất”.
Nvidia cũng tỏ rõ tham vọng trong lĩnh vực vũ trụ ảo. Đặc điểm của metaverse là yêu cầu cao về sức mạnh tính toán và Nvidia có thể đóng vai trò quan trọng trong đó. Ngày 11/8, hãng đã công bố kế hoạch Omniverse nhằm thiết lập nền tảng mô phỏng và cộng tác ảo đầu tiên trên thế giới. Nền tảng này được tích hợp với Adobe và Blender và mở cho hàng triệu người dùng. CEO Nvidia Jensen Huang cho biết, việc ra mắt vũ trụ ảo Omniverse sẽ biến metaverse thành hiện thực, đồng thời xây dựng một nền tảng ảo mang tính cách mạng. Nơi đây, các cá nhân và doanh nghiệp đều có thể hợp tác cùng nhau một cách dễ dàng.
>>> Xem thêm: Kính thực tế ảo HTC Vive Cosmos 2020
2. Metaverse lan rộng sang khu vực châu Á
Sức nóng của vũ trụ ảo cũng lan rộng sang khu vực châu Á. Trong vòng một tuần, cổ phiếu của công ty trò chơi ZQGame đã tăng trưởng gấp đôi sau khi tuyên bố tham gia vào metaverse. Đầu tháng 9, ZQGame phát hành bản demo của trò chơi Brew Master, nơi người dùng có thể kinh doanh trong thế giới ảo.
Một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là Tencent cũng đã đăng ký hai nhãn hiệu “Kings Metaverse” và “TiMi Metaverse”, đánh dấu sự phát triển của lĩnh vực vũ trụ ảo. Theo báo cáo của công ty, trong 5 năm tới, Tencent sẽ đầu tư 70 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng như đám mây, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, blockchain, 5G và điện toán lượng tử, góp phần quan trọng để xây dựng vũ trụ ảo trong tương lai.
Ngôi sao mới nổi ByteDance cũng tăng cường tham gia lĩnh vực vũ trụ ảo. Tháng trước, họ mua lại Pico, nhà sản xuất tai nghe VR lớn thứ ba thế giới nhằm với mục tiêu đầu tư lâu dài vào lĩnh vực VR. Hãng cũng tiếp nhận những lợi thế của Pico về phần mềm, phần cứng, tài năng và chuyên môn để tiến sâu hơn vào metaverse. Về nguồn vốn, ByteDance đã huy động được 1 tỷ USD cho phát triển metaverse.
Thuật ngữ “metaverse” lần đầu được nhắc đến năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học Snow Crash của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson. Đây là “một vũ trụ do máy tính tạo ra”, tồn tại song song với đời thật nhưng trong đó, con người có thể xây dựng lại các chuẩn mực xã hội.
Metaverse được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Việc nhiều công ty trong các lĩnh vực cùng tham gia khiến vũ trụ ảo có thể đến sớm hơn dự kiến. Những người ủng hộ cho rằng metaverse sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh khổng lồ như bán hàng và dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của metaverse sẽ tạo ra tình trạng bất bình đẳng, khi chỉ những người có khả năng chi trả mới không bị quảng cáo làm phiền trong quá trình trải nghiệm.
Theo VNexpress